Tháng 11 tiếp tục xuất siêu 100 triệu USD, giúp cán cân thương mại của Việt Nam xoay chiều, xuất siêu trở lại sau 11 tháng.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương, tháng 11 là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại không bị thâm hụt, ghi nhận xuất siêu 100 triệu USD.
Như vậy, tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại trong gần nửa năm qua do những ảnh hưởng từ các đợt dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cán cân thương mại dương trở lại sau 11 tháng là nhờ kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục tăng, gần 4% ở mức xấp xỉ 30 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 11 tháng xuất khẩu ước đạt gần 299,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2020.
"Xuất khẩu đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định FTA và nhu cầu các thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm", Bộ Công Thương đánh giá.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tới 86%, đạt gần 258 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, việc các doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19 đã giúp nhóm công nghiệp chế biến phục hồi.
Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt gần 29 tỷ USD, tăng hơn 7%; giầy dép các loại hơn 15,5 tỷ USD. Xuất khẩu sắt thép lần đầu vượt kim ngạch 10 tỷ USD, đạt 10,8 tỷ USD tăng gần 130% so với cùng kỳ 2020. Ở nhóm hàng nông, lâm sản, 11 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020. Còn xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản cũng tăng gần 29% sau 11 tháng, đạt 3,4 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết tháng 11 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng 10. Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập 10,2 tỷ USD; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập tới 19,6 tỷ USD, tăng gần 15%. Luỹ kế 11 tháng Việt Nam nhập khẩu hơn 299,4 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Mỹ vẫn là nước nhập nhiều hàng hoá của Việt Nam nhất trong 11 tháng, gần 85 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là Trung Quốc với gần 50,5 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020. Nhờ tận dụng tốt những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 12% so với cùng kỳ, đạt gần 36 tỷ USD. Các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt đạt gần 26 tỷ USD; 20 tỷ USD và 18 tỷ USD trong 11 tháng. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 98,5 tỷ USD tăng 32% và chiếm tỷ trọng gần 33% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Việt Nam nhập từ ASEAN gần 37 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 36%; Nhật Bản gần 20,3 tỷ USD tăng 10%...
Để thúc đẩy xuất khẩu trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương xác định củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Cơ quan này cũng làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trên nền tảng trực tuyến, nền tảng số... sẽ được đẩy mạnh.
Tác giả: admin_imalog
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thứ sáu - 20/12/2024 13:12
Thứ tư - 18/12/2024 15:12
Thứ tư - 18/12/2024 15:12
Thứ hai - 16/12/2024 14:12
Thứ sáu - 13/12/2024 16:12
Thứ tư - 11/12/2024 11:12
Thứ hai - 09/12/2024 15:12
Thứ hai - 09/12/2024 14:12
Thứ năm - 05/12/2024 12:12