Ngoài tăng kiểm soát dịch với hàng hóa, phía Trung Quốc dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị khiến lượng xe nông sản thêm ùn ứ.
Tới sáng 16/12, số container ùn ứ tại các cửa khẩu lên tới 4.500 xe, tăng 400 xe so với cách đó một ngày.
Chia sẻ với VnExpress ngày 16/12, ông Đinh Kỳ Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, ngày 15/12, Trung Quốc thông báo dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị là do “lỗi kỹ thuật”. Sở này đang theo dõi sát tình hình và cập nhật thông báo mở lại thông quan từ phía Trung Quốc.
Theo ông Giang, tình trạng dừng thông quan chở hàng sang Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Ở những lần trước họ thường dừng vài tiếng, nửa ngày hoặc 2-3 ngày là việc xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở lại bình thường. Lần này, ông dự đoán cũng tương tự.
Nhưng việc Trung Quốc dừng thông quan này không phải lý do duy nhất khiến hàng nghìn xe đang ùn ứ chờ thông quan tại các cửa khẩu. Cuối năm thường là cao điểm xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, cũng là thời điểm thu hoạch nông sản, lượng hàng chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc rất lớn.
Ngoài ra, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thị trường nông sản, cho rằng do Trung Quốc siết chặt kiểm tra các bao bì, lô hàng liên quan đến dịch Covid-19 là lý do chính khiến việc thông quan chậm.
Chưa kể, khác với những năm trước, năm nay nhiều cửa khẩu của một số địa phương (như Lào Cai) đang tạm đóng, khiến các chủ hàng dồn, chuyển xuất hàng qua cửa khẩu Lạng Sơn, làm tình trạng ùn ứ diễn ra trên diện rộng, với lượng xe rất lớn.
Là doanh nghiệp chuyên xuất sang hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên cho biết, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn diễn ra liên tục trong vài năm gần đây. Đặc biệt, vào dịp cuối năm phía Trung Quốc thường hay kiểm soát chặt nên dẫn tới thông quan chậm, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ông Cung chia sẻ, 2 tháng cuối năm công ty ngưng xuất đường bộ và chuyển sang đẩy mạnh xuất đường biển để tránh xảy ra tình trạng trên.
Hàng nông sản ùn ứ gồm xuất theo đường tiểu ngạch, hoặc đã có hợp đồng, nhưng do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, khiến năng lực thông quan hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc rất chậm, bằng một nửa so với trước khi có dịch. Việc này khiến thời gian thông quan mỗi xe tăng lên, nên giao hàng lâu hơn.
Cùng đó, nhân lực vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa… tại khu vực cửa khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đang thiếu.
“Chúng tôi cùng với hải quan cửa khẩu, chính quyền địa phương bố trí các điểm đỗ tại các bến bãi cho các tài xế, tạo điều kiện sinh hoạt cho họ trong thời gian phải chờ đợi thông quan hàng”, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hoà cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương có phương án cân đối lại và chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh.
“Nếu cứ đưa xe lên cửa khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí ăn ở, phòng dịch, bến bãi… cho doanh nghiệp”, ông Hòa nói.
Cách đây 2 ngày (14/12), chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã điện đàm với phía Trung Quốc, đề xuất một số giải pháp để tăng thông quan cho các hàng hóa, nhất là nông sản…
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng đã làm việc trực tiếp với Hải quan Trung Quốc nhưng nước bạn cho biết, tình hình kiểm soát hàng hoá liên quan tới dịch bệnh là quy định chung cần phải thực hiện. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng kiến nghị 2 bên sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.
Ngoài việc hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, việc chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch và xây dựng các kho lạnh bảo quản hàng nông sản gần cửa khẩu là giải pháp được Bộ Công Thương khuyến cáo lúc này.
Tác giả: admin_imalog
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thứ sáu - 20/12/2024 00:12
Thứ tư - 18/12/2024 02:12
Thứ tư - 18/12/2024 02:12
Thứ hai - 16/12/2024 01:12
Thứ sáu - 13/12/2024 03:12
Thứ ba - 10/12/2024 22:12
Thứ hai - 09/12/2024 02:12
Thứ hai - 09/12/2024 01:12
Thứ tư - 04/12/2024 23:12