(VLR) Đặc thù của thương mại điện tử (TMĐT) là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, yêu cầu thời gian giao hàng nhanh, miễn phí giao hàng và thu tiền tận nơi. Các dòng dịch chuyển hàng hóa trong môi trường TMĐT mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên kênh E.logistics có những khác biệt lớn so với logistics truyền thống.
Thay đổi về cấu trúc kênh phân phối
Kênh phân phối TMĐT có xu hướng giảm thiểu các trung gian thương mại. Trong các giao dịch TMĐ, do các tương tác mua bán là ảo nên các trung gian thương mại truyền thống như bán buôn và bán lẻ có thể được loại bỏ vì không cần tới sự hiện diện thương mại của họ, gọi là hiện tượng loại bỏ trung gian. Điều này tạo ra các kênh phân phối ít cấp trung gian hơn, thậm chí nhà sản xuất có thể liên kết online để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng cuối.
Tuy nhiên, khi thị trường TMĐT trở nên rộng lớn, vị trí người mua ở rất xa, số lượng các đơn hàng nhiều, quy mô các đơn hàng lại rất nhỏ, yêu cầu giao hàng nhanh thì khối lượng công việc vận chuyển giao hàng lại trở nên vô cùng lớn và phức tạp. Kênh phân phối TMĐT lại cần tới các trung gian logistics mới để tối ưu hóa việc di chuyển hàng hóa đến tay khách hàng.
Các thay đổi trong kênh bán lẻ
Các trung gian logistics TMĐT chuyên nghiệp cần có những năng lực khác biệt so với các trung gian truyền thống. Đơn cử như trung tâm thực hiện đơn hàng (e fulfilment) là cơ sở có diện tích lớn hàng chục ngàn m2, được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn. Có chức năng tập hợp các lô hàng riêng lẻ và chuyển tiếp tới các trung tâm bưu kiện. Loại này thường đặt tại vị trí có chi phí thấp nhưng phải tiếp cận với đường cao tốc và kết nối với các trung tâm bưu kiện. Trung tâm phân loại đơn hàng (Sortation center), hay trung tâm xử lý bưu kiện (Parcel hubs) cũng có quy mô lớn, thường áp dụng mô hình cross dock giúp phân chia các dòng bưu kiện về các địa phương theo các đơn vị nhỏ hơn, chẳng hạn như mã bưu chính. Sau đó, được gửi đến các bưu điện địa phương hoặc qua các công ty giao hàng để giao hàng chặng cuối. Các kho logistics thành phố (Urban logistics deport), trung tâm giao hàng bưu kiện (Parcel delivery centers) là các cơ sở có quy mô vừa hoặc nhỏ, ở ngay ngoại vi của mỗi khu đô thị, chủ yếu để phân loại các bưu kiện được đặt trên các tuyến đường chuyển phát.
Dòng hoạt động và một số trung gian logistics TMĐT
Các kênh logistics TMĐT
Các kênh logistics TMĐT có xu hướng vươn dài về khoảng cách và tiếp cận trực tiếp tới tay người tiêu dùng cuối cùng với các đơn hàng thường xuyên có quy mô nhỏ. Vận chuyển các lô hàng nguyên container (FCL) không còn phù hợp, mà chủ yếu là vận chuyển theo đơn hàng lẻ (LCL). Lý do chính là do nhu cầu mua hàng mở rộng trên nhiều quốc gia và trở nên phân tán so với các nguồn hàng. Kích thước đơn hàng nhỏ, có yêu cầu giao hàng nhanh làm cản trở việc gom theo lô lớn. Mặt khác nhiều nhà bán lẻ nhỏ không đủ khả năng mua được hàng hóa với khối lượng lớn, họ bị giới hạn về tài sản và lượng tồn kho. Điều này khiến các chủ hàng thường đặt các đơn hàng với số lượng nhỏ và vận chuyển đến rất nhiều vị trí khác nhau. Các trung gian logistics cần có mạng lưới gom hàng tối ưu, quan tâm đến giải pháp gom hàng và cross-docking, giúp giảm lượng hàng tồn, chi phí tồn kho, đồng thời nâng cao lợi thế cho các đơn hàng điện tử và dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile delivery).
Chi phí giao hàng chặng cuối
Chi phí giao hàng chặng cuối chiếm tới quá nửa trong các giao dịch TMĐT là thách thúc lớn nhất cho bài toán giao hàng B2C hiện nay (Hình 3). Trong khi chí phí giao hàng chặng cuối chiếm tới 53% thì NTD lại mong muốn dịch vụ giao hàng miễn phí. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp TMĐT cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để giảm thiểu phần chi phí này. Dịch vụ chuyển phát bưu kiện luôn được ưu tiên hàng đầu trong các cân nhắc giao hàng. Điều này là do ngành chuyển phát bưu kiện có năng lực chuyên chở và phân phối phù hợp với đặc điểm về nhu cầu và quy mô đơn hàng trong TMĐT (Hình 2). Hơn nữa với quy mô cung ứng lớn, ngành chuyển phát bưu kiện đáp ứng rất linh hoạt với nhiều lựa chọn về chi phí và thời gian giao hàng. Trong trường hợp thiếu các dịch vụ bưu kiện, thì vận chuyển nội bộ hoặc vận chuyển đám đông (Crowsorcing delivery) sẽ là những phương án được cân nhắc. Tuy nhiên các phương pháp này khó thỏa mãn về chất lượng và chi phí trong giao hàng dặm cuối và chỉ được sử dụng để bổ sung cho chuyển phát bưu kiện.
Thách thức cho ngành logistics TMĐT Việt Nam
Những thay đổi trên đây đặt ra nhiều thách thức cho ngành logistics TMĐT Việt Nam. Trước hết là yêu cầu về mạng lưới hạ tầng và các trung gian. Với xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến thì chuỗi cung ứng logistics TMĐT cần được cắt ngắn lại, bỏ bớt khâu trung gian để hàng hóa đi thẳng từ kho của nhà phân phối đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông và kho bãi tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài các thương hiệu nước ngoài như FedEx, DHL Express, UPS Việt Nam…, các doanh nghiệp logistics phục vụ TMĐT có quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước như Vietnam Post, Viettel Post còn rất ít và cũng đang trong giai đoạn cần xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn thiện mạng lưới của mình. Doanh nghiệp TMĐT vẫn phải dùng dịch vụ logistics truyền thống, điều này gây khó khăn cho quá trình thực hiện đơn hàng TMĐT với những yêu cầu đa dạng và biến động liên tục. Các doanh nghiệp logistics truyền thống đa phần mới áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, trao đổi dữ liệu điện tử, khai báo hải quan, quản lý kho hàng, vận tải… chưa được phối hợp đồng bộ. Để đáp ứng các đơn hàng điện tử, doanh nghiệp logistics truyền thống phải ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics. Nếu không thay đổi để thích nghi và phát triển sẽ bị cạnh tranh và thôn tính.
Tác giả: admin_imalog
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thứ tư - 20/11/2024 04:11
Thứ tư - 20/11/2024 04:11
Thứ tư - 20/11/2024 03:11
Thứ ba - 19/11/2024 19:11
Thứ ba - 19/11/2024 05:11
Thứ ba - 19/11/2024 03:11
Thứ ba - 19/11/2024 03:11
Thứ ba - 19/11/2024 02:11
Thứ hai - 18/11/2024 02:11